Chứng rối loạn ám ảnh nghi thức: Nguyên nhân và cách điều trị

Rối loạn ám ảnh nghi thức là một trong những rối loạn tâm lý phổ biến nhất hiện nay, biểu hiện qua những suy nghĩ kéo dài, lặp đi lặp lại để thúc giục người bệnh bị ám ảnh bởi những hình ảnh, hành vi, qua đó thực hiện các nghi thức. Hội chứng rối loạn này gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh, khiến họ mất tập trung vào công việc, học tập và quá trình giao tiếp xã hội.

Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức là gì?

Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCD) là một loại rối loạn tâm lý, mô tả những suy nghĩ, cảm giác lặp đi lặp lại (ám ảnh) hoặc thúc đẩy làm điều gì đó lặp đi lặp lại (nghi thức). OCD thường không đơn giản chỉ là thói quen, và không thể giải quyết chỉ bằng cách cố gắng kiểm soát suy nghĩ hoặc hành động.

Hội chứng rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức

Hội chứng rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức

Sự khác biệt giữa OCD và thói quen thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau. Những suy nghĩ ám ảnh trong OCD có thể là những con số, màu sắc hoặc thứ gì đó nhất định được xem là "tốt" hoặc "xấu". Còn các hành động bắt buộc (nghi thức) có thể bao gồm việc rửa tay lặp đi lặp lại, kiểm tra cửa, tắt đèn hay sắp xếp đồ đạc đúng cách. Tuy nhiên, dù người bệnh có ý muốn ngừng hành động hay suy nghĩ đó, họ vẫn cảm thấy không thể kiểm soát được.

Nguyên nhân gây ra rối loạn ám ảnh nghi thức

OCD có xu hướng bắt nguồn âm thầm từ khi bệnh nhân còn nhỏ, tuy nhiên người bệnh thường cố gắng kiểm soát hết khả năng hoặc dấu diếm bệnh vì sợ sự bắt nạt cũng như kỳ thị từ người ngoài. Người bệnh hoặc là chỉ có suy nghĩ ám ảnh, hoặc là có tính nghi thức, tuy nhiên một số trường hợp cùng một lúc vẫn gặp cả hai trạng thái. Đây là căn bệnh mang xu hướng mãn tính và việc chữa khỏi bệnh khá khó khăn.

Theo các chuyên gia y tế, rối loạn ám ảnh nghi thức (OCD) có nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:

- Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị OCD, nguy cơ mắc bệnh của những người trong gia đình tăng gấp 4 lần so với bình thường.

- Các chất dẫn truyền thần kinh: Serotonin được cho là liên quan mật thiết đến rối loạn ám ảnh nghi thức. Nghiên cứu đã chỉ ra sự rối loạn điều hòa serotonin bất thường tại các synapse của một số vùng não khác nhau ở bệnh nhân OCD. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho rằng nồng độ vasopressin và oxytocin giảm có thể liên quan đến hội chứng này.

- Nghiên cứu hình ảnh não: các chuyên gia y tế đã tìm thấy sự bất thường tại thùy trán, các hạch đáy não (nhân đuôi) trong quá trình tiến hành quan sát hình ảnh não bộ và phát hiện cơ chế gây bệnh. Nếu chụp CT hoặc MRI, bác sĩ có thể thấy rõ giảm kích thước nhân đuôi cả hai bên, đây là một trong những yếu tố giúp chẩn đoán bệnh OCD chính xác hơn.

Rối loạn ám ảnh nghi thức thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Rối loạn ám ảnh nghi thức thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu chứng minh hội chứng rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức có liên quan đến sự tác động từ môi trường, lo lắng quá mức cũng khiến một số ý nghĩ xâm chiếm cuộc sống người bệnh xuất hiện. Có hơn 50% tổng số bệnh nhân tái phát rối loạn ám ảnh nghi thức sau khi gặp stress nặng nề trong cuộc sống. Chính vì thế, người mắc bệnh OCD thường kèm theo các biểu hiện của bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm, từ đó chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đi xuống đáng kể.

>>> Xem thêm: Cuộc chiến chống lại căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Dấu hiệu của rối loạn ám ảnh nghi thức

Chứng rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức là một loại rối loạn nhân cách, sở hữu các đặc điểm đặc trưng như ám ảnh hay hành vi cưỡng bức. Tuy nhiên, căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng của người bệnh, loại rối loạn này được chia thành các nhóm khác nhau.

Triệu chứng cơ bản của rối loạn ám ảnh cưỡng bức là xuất hiện liên tục các ý nghĩ hoặc hành vi cưỡng bức trong đầu. Điều này gây cảm giác bứt rứt, khó chịu đối với người bệnh, mặc dù họ nhận thức được sự vô lý của các ý nghĩ và hành vi này. Bệnh nhân thường cố gắng tìm mọi cách để chống lại những suy nghĩ trong đầu nhưng không đạt được kết quả.

Có 4 triệu chứng chính của rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức, đó là:

- Ám ảnh nhiễm bẩn, lây bệnh: Bệnh nhân có các hành vi như rửa tay lặp lại nhiều lần, thậm chí nhiều đến mức tự làm trầy xước da tay. Bên cạnh đó, người bệnh có xu hướng tránh xa các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh hoặc người bệnh khác vì cho rằng dễ nhiễm bẩn.

- Ám ảnh nghi ngờ: Bệnh nhân luôn cảm thấy cưỡng bức và lo lắng về việc kiểm tra. Ví dụ, khi rời khỏi nhà, họ sợ quên khóa cửa hoặc tắt bếp ga và phải quay về nhà rất nhiều lần để kiểm tra. Họ cũng thường có ám ảnh nghi ngờ chính bản thân mình và cảm thấy có lỗi do đã phạm một sai lầm nào đó.

- Ám ảnh không có cưỡng bức: Bệnh nhân xuất hiện liên tục những ý nghĩ lặp đi lặp lại về các hành vi tình dục hoặc xâm phạm người khác. Ví dụ, một người mẹ muốn giết con mình, xung đột tâm lý và đau khổ vì phải kiềm chế suy nghĩ đó, hoặc khó khăn trong việc xua đuổi suy nghĩ thô tục, mang tính xúc phạm người khác.

- Ám ảnh chậm chạp: Bệnh nhân thực hiện chậm chạp các sinh hoạt đời thường: ăn sáng hoặc cạo râu, đi vệ sinh mất hàng tiếng đồng hồ,...

Biểu hiện thường gặp của chứng rối loạn ám ảnh nghi thức

Biểu hiện thường gặp của chứng rối loạn ám ảnh nghi thức

Cách điều trị chứng rối loạn ám ảnh nghi thức

Để kiểm soát triệu chứng của chứng rối loạn lo âu OCD, người bệnh có thể tránh các hành động gây ám ảnh và buộc phải thực hiện các nghi thức. Tuy nhiên, điều này trở nên khó khăn nếu những hoạt động này là cần thiết trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, tốt nhất là bệnh nhân nên tới các bệnh viện chuyên khoa để chẩn đoán và được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.

Điều trị bằng thuốc

Để điều trị hội chứng rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức, bác sĩ thường sẽ chỉ định thuốc có tác động chọn lọc lên serotonin cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu sau 4-6 tuần sử dụng thuốc mà không có hiệu quả, bác sĩ sẽ chuyển sang sử dụng các loại thuốc khác.

Các thuốc phổ biến được chỉ định cho bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn ám ảnh nghi thức bao gồm Clomipramine (Anafranil), Fluoxetine, Sertraline, FluvoxamineCitalopram.

Trị liệu y khoa

Trong điều trị tâm lý cho bệnh nhân rối loạn ám ảnh nghi thức, liệu pháp tiếp xúc và ngăn ngừa nghi thức được coi là hai phương pháp quan trọng. Chúng được áp dụng để giảm các cơn ám ảnh và sự hoang mang của bệnh nhân khi đối mặt với các sự kiện hoặc suy nghĩ gây lo lắng.

Bằng cách dần dần tiếp cận với nỗi ám ảnh, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn để không thực hiện các hành động nghi thức, giúp giảm bớt căng thẳng và lo lắng trong tâm trí của họ. Các phương pháp này có thể được áp dụng cùng với việc sử dụng thuốc kháng serotonin, tuy nhiên, bệnh nhân cần được hướng dẫn và giám sát bởi các chuyên gia tâm lý để đảm bảo đạt được hiệu quả tốt nhất.

Một trong những cách trị liệu rối loạn ám ảnh nghi thức hiệu quả là trị liệu y khoa

Một trong những cách trị liệu rối loạn ám ảnh nghi thức hiệu quả là trị liệu y khoa

Việc hiểu rõ nỗi ám ảnh của bệnh nhân và kiểm soát các hành vi nghi thức là rất quan trọng trong điều trị hội chứng này. Bác sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích và giúp bệnh nhân hiểu rằng những nỗi ám ảnh của họ là hoàn toàn vô lý và không cần thiết. Ngoài ra, bác sĩ còn hướng dẫn bệnh nhân cách kiểm soát các hành vi nghi thức.

Nếu bệnh nhân đang gặp phải các triệu chứng trầm cảm hay rối loạn lo âu, liệu pháp tâm lý có thể rất hữu ích để giúp họ kiểm soát các hành vi và trạng thái quá mức, tránh gây tổn thương cho chính mình.

Đối với bệnh nhân bị kháng thuốc điều trị hội chứng rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức, bác sĩ có thể đưa ra hai phương pháp điều trị tùy thuộc vào tình hình của bệnh nhân.

- Phương pháp đầu tiên là sốc điện, thường được thực hiện trước khi bệnh nhân tiến hành phẫu thuật thần kinh. Đây là một phương pháp có hiệu quả cao để giảm các triệu chứng của hội chứng này.

- Phương pháp thứ hai là phẫu thuật, thường thực hiện bằng cách cắt bỏ liên hợp khứu hải mã. Mức độ thành công của phương pháp này là khoảng 25-30% ở các bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn ám ảnh nghi thức kháng thuốc và điều trị hành vi.

Điều trị tại nhà

Việc điều trị bệnh OCD đòi hỏi sự hỗ trợ đầy đủ từ gia đình và các chuyên gia tâm lý. Ngoài các phương pháp trị liệu đã nêu, việc gia đình tham gia vào quá trình điều trị cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bệnh nhân có thể tham gia các lớp học trị liệu cùng với gia đình để họ có thể tìm hiểu về bệnh lý và được hướng dẫn cách chăm sóc, kiểm soát tốt nhất cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức. Căng thẳng và mệt mỏi quá mức là nguyên nhân khiến bệnh tái phát hay trầm trọng hơn. Việc dành thời gian nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao đầy đủ, ăn uống đủ chất, và luôn hướng đến những điều tích cực, lạc quan sẽ giúp tăng cường đời sống tinh thần, qua đó giảm đáng kể những nỗi ám ảnh nghi thức không thể kiểm soát trước đó.

>>> Tham khảo thêm: Đối diện thế nào với hậu quả của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn ám ảnh nghi thức là hội chứng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu bệnh nhân kiên nhẫn phối hợp cùng với phác đồ điều trị của bác sĩ một cách triệt để. Nếu chẳng may bạn phát hiện ra một vài vấn đề bất thường trong suy nghĩ và hành vi của bản thân, hãy liên lạc và thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để kịp thời phòng tránh các nguy hiểm sau này nhé!

Tag Cloud

Bình luận

Bạn hãy là người đầu tiên nhận xét về sản phẩm này

Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ